[Review] Rìu đàn cúc - Seishi Yokomizo
Có thể bạn chưa biết nhưng "Thám tử Kindaichi" là bộ truyện tranh trinh thám yêu thích nhất của mình. Và lẽ dĩ nhiên ai đã từng đọc bộ truyện này cũng biết trước mỗi lần phá án nhân vật luôn nhân danh cháu nội của thám tử lừng danh Kindaichi Kosuke. Vì vậy, khi biết được tin IPM xuất bản cuốn sách về vị thám tử này cùng việc yêu thích trinh thám Nhật thì không có lý do gì để mình không mua về đọc ngay.
Điều đầu tiên cần nhắc đến về cuốn truyện này đó chính là cốt truyện trinh thám cổ của Nhật, đặc trưng với nhiều nhân vật, những vụ án mạng hàng loạt và suy luận thuần túy. Nếu đã từng đọc các tác phẩm trinh thám Nhật dù là tiểu thuyết hay manga thì bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra phong cách này.
Rìu, đàn, cúc mở đầu bằng câu chuyện của nhà tài phiệt Inugami Sahei vừa qua đời và để lại một bản di chúc quái đản cho con cháu. Người biết manh mối của di chúc này dự đoán ngay khi được tung ra nó sẽ khiến gia tộc đảo lộn vì vậy nhờ thám tử nổi tiếng Kindaichi đến trợ giúp. Chưa kịp gặp thì đã nhận tin người gửi thư mời đã qua đời, thám tử Kindaichi cứ vậy bị cuốn vào những vụ án mạng liên tiếp chưa có lời giải đáp.
Bản di chúc kì dị để lại toàn bộ di sản cho Tamayo (cháu gái của ân nhân, hiện đang sống cùng gia đình) với điều kiện cô phải lấy một trong 3 cháu trai của ông Sahei. Đồng thời, cũng nhắc tới việc chia phần cho đứa con ngoài dã thú. Di chúc như vậy đương nhiên không tránh khỏi sự phản đối của gia đình 3 cô con gái. Từ đây án mạng liên tiếp xảy ra, cách thức gây án còn được mô phỏng theo 3 loại báu vật của gia tộc là Rìu - Đàn - Cúc. Những báu vật này tượng trưng cho một lời nguyền hay mang một ý đồ gì khác?
Án mạng liên quan đến gia tài đương nhiên dễ đoán được là do người nhà làm, tuy nhiên hung thủ là ai thì lại vô cùng khó vì tới chục con người ai cũng có động cơ.
Câu truyện có khá nhà nhiều nhân vật nên nếu không nhớ được bạn hãy cứ giở lại trang 69 để xem lại gia phả. |
Bạn có thể suy luận ra một vài điểm nghi vấn nhưng điểm hấp dẫn của Rìu đàn cúc đó là bạn sẽ không thể nào đoán ra toàn bộ câu chuyện bởi tác giả lồng ghép khá nhiều tình tiết phía sau. Chắc chắn bạn sẽ phải bất ngờ với một trong các bí mật được bật mí ở gần cuối. Cốt truyện lồng ghép khó đoán chính là yếu tố thu hút giúp bạn theo dõi đến tận những dòng cuối cùng.
Điểm trừ của tác phẩm này đó là hình tượng nhân vật chính Kindaichi là cương vị thám tử, tuy nhiên lại được thể hiện khá mờ nhạt. Những suy luận, cách tìm manh mối không được tác giả thể hiện nhiều cho đến đoạn cuối để vạch mặt hung thủ. Ngoài ra, tình tiết gây án của hung thủ thực sự diễn ra với những sự ngẫu nhiên, tình cờ hơi quá đáng, nhưng phải xét lại là tác phẩm này đã được viết từ những năm 1950, với cốt truyện hấp dẫn như vậy cũng có thể coi là một tượng đài của trinh thám Nhật.
Rìu đàn cúc chưa phải là một tác phẩm trinh thám xuất sắc nhưng cũng đủ làm hài lòng các fan của dòng trinh thám Nhật. Cuốn sách tầm 300 trang với các tình tiết khá nhanh, nhiều bí ẩn và nghi vấn khiến các độc giả có thể dành liền tù tì 2 tiếng đọc để cùng khám phá sự thật. Mong rằng các nhà xuất bản vẫn tiếp tục ra mắt các tác phẩm khác của Seishi Yokomizo để thỏa mãn các fan của dòng trinh thám cổ này. (Đừng như Soji Shimada ạ, ra được có 2 quyển rồi không thấy đâu nữa T.T)
P.s: Sau khi đọc xong cuốn này mình mới thấy tác giả của bộ manga Kindaichi khá tài tình trong việc tái hiện lại không khí của dòng trinh thám cổ. Ai đọc cả hai cuốn sẽ thấy ngay không khí giống nhau từ những dòng đầu tiên. Đồng thời cũng hơi thất vọng, vì lại một lần nữa gặp lại tình tiết quen thuộc của manga ở một tiểu thuyết khác. Lần trước là Tokyo Hoàng đạo án và Vụ án Làng lục giác, lần này là Rìu đàn cúc và Gia tộc nhà họ Zan. Nhưng thôi nó vẫn là một trong những manga trinh thám yêu thích nhất của mình.
0 nhận xét