Mỗi lần cảm thấy cuộc đời bế tắc mình thường hay đi đọc sách của Haruki Mukarami, vì cuộc đời rối ren của các nhân vật trong truyện sẽ khiến mình cảm thấy khá hơn . Lần này ngẫu nhiên chọn “Ngầm” thậm chí không cả đọc lời tựa thành ra không biết trước rằng lần này tác giả về một sự kiện có thật chứ không phải hư cấu. Cuốn sách như một hình ảnh phản ánh xã hội ở góc độ thường ngày cũng như những góc khuất ẩn sâu trong tâm hồn của con người. Một nội dung có lẽ là hơi khó đọc vì mang tính triết lý cao nhưng cũng khiến ta phải suy ngẫm về con người trong xã hội hiện đại.
"Ngầm" viết về một sự
kiện khủng bố ở Nhật năm 1995 do giáo phái Aum thực hiện bằng hành động rải khí
độc Sarin tại khu vực tàu điện ngầm tại Tokyo. Cuộc tấn công này khiến 12 người
chết và hàng ngàn người bị thương với các di chứng. Sách gồm 2 phần
chính:
· - Phần 1: tổng hợp các cuộc phỏng vấn từ các nạn
nhân đã trải qua cuộc tấn công
· - Lời tựa ngắn của tác giả về lý do ông viết quyết
định viết cuốn sách này
· - Phần 2: tổng hợp các cuộc phỏng vấn từ các thành
viên của giáo phái Aum
Sau khi đọc xong thì mình thấy lĩnh hội thêm kiến thức một là về con người Nhật Bản và hai là về các thành viên tham gia tôn giáo. Nếu đây không phải là 2 thông tin bạn có hứng thú tìm hiểu thì có thể bỏ qua cuốn sách này. Không phải là cuốn sách không hay chỉ là do những thông tin này sẽ có phần không thú vị với những ai không quan tâm. Còn nếu bạn quan tâm thì hãy đọc tiếp bài review khá dài dưới đây nhé .
Phần 1: BÀI PHỎNG VẤN TỪ CÁC NẠN NHÂN
Phần đầu là tổng
hợp của gần 60 cuộc phỏng vấn của các nạn nhân đồng ý chia sẻ câu chuyện mình
đã trải qua vào ngày khủng bố. Haruki Murakami không chỉ viết về buổi phỏng vấn
mà với mỗi người tham gia ông đều thêm một chút về câu chuyện cuộc đời họ để độc
giả có cái nhìn toàn thể về mỗi cá nhân.
Tàu điện ngầm
tại Tokyo là một trong những địa điểm đông đúc nhất trong thành phố và Tokyo cũng là một trong những địa điểm an toàn nhất trên Thế giới, vì vậy lẽ dĩ nhiên người
dân ở đây hoàn toàn không phát hiện hay nghi ngờ đến việc khủng bố khi điều này
xảy ra. Những tín đồ của giáo phải thực hiện rải Sarin – một chất khí cực độc
và thời điểm mọi người bắt đầu đi làm.
Sự kiện xảy ra
vào năm 1995 đã là 26 năm trước, hiện tại lối sống của người Nhật có lẽ đã có
phần thay đổi nhưng nếu ai đã từng làm việc ở công ty Nhật thì chắc cũng đều cảm
nhận được tinh thần làm việc của người Nhật cao như thế nào.
Chúng ta sẽ được nghe câu chuyện của
những nạn nhân từ độ tuổi 20s – 60s, là lực lượng lao động đang bắt đầu trên đường
tới công ty. Họ thường dậy sớm và tính toán để bắt chuyến tàu có thể đưa họ đến
văn phòng trước giờ làm việc tầm 1 tiếng. Thời điểm cơ thể phản ứng với chất độc,
nếu không phải đến độ nặng không thể đi được thì thông thường mọi người đều cố
đến được công ty cho kịp giờ làm. Dù tình trạng sức khỏe có không tốt nhưng nhiều
người chỉ đến bệnh viện khi có đồng nghiệp khuyên bảo hoặc nghe tin về vụ khủng
bố trên tivi. Với những người nằm viện điều trị, họ cũng muốn quay lại làm việc
sớm nhất có thể vì không muốn làm phiền đồng nghiệp. Người đọc cũng sẽ thấy được
hình ảnh những nhân viên gắn bó với công ty cả chục năm hay sau khi nghỉ hưu ở
công ty cũ, những người ở độ tuổi 60s vẫn tiếp tục làm việc tại một công ty
khác. Đây là hình ảnh chắc chỉ có thể thấy ở duy nhất đất nước Nhật Bản khi nói
về tinh thần trách nhiệm với công việc.
Câu chuyện của
từng nạn nhân cũng khiến chúng ta nhận ra được cuộc đời này thật ngắn ngủi và ngẫu nhiên đến thế nào. Vì khí độc chỉ được rải trên 1 vài chuyến tàu
và con tàu có chứa bao đựng đã được dừng lại sau khi phát hiện sự cố, nên chỉ
những người làm việc tại ca đó hoặc đi đúng vào thời điểm nhất định mới nhiễm độc
sarin. Có những người lên tàu vì đã trễ chuyến tàu thường ngày hay đi trước đó
vài phút, có người đi tuyến đường này chỉ vì có việc hôm đó chứ không phải là
chuyến họ thường đi, có người ngày thường ngồi toa khác nhưng lại ngồi đúng toa
có chứa khí độc vào hôm nay,… Tất cả sự ngẫu nhiên ấy lại khiến họ gặp nạn
không ngờ tới. Đa phần những người được điều trị đã sống sót nhưng vẫn còn các
di chứng, một số người không may mắn đã qua đời hoặc chịu tổn thương suốt đời.
Một câu chuyện khiến chúng ta nhận ra cuộc đời đầy rẫy nhưng bất ngờ, chúng ta
không thể nào lường trước ngày mai sẽ có chuyện gì xảy ra.
PHẦN 2: CUỘC PHỎNG VẤN VỚI NHỮNG THÀNH VIÊN CỦA GIÁO PHÁI
Với giáo chủ
và những kẻ thực hiện tội ác đã bị tuyên án tử hình và chung thân là điều không
cần bàn cãi. Nhưng vẫn còn rất nhiều cá nhân hiện ở giáo phái khi không tham
gia hoặc không biết về vụ tấn công này. Haruki Murakami muốn đưa đến độc giả
cái nhìn từ cả 2 phía, quan điểm từ cả những cá nhân thuộc giáo phái không nhằm
mục đích phản ảnh bất cứ điều gì, mà muốn người đọc sẽ tự có quan điểm của chính
mình.
Những cá nhân
tham gia phỏng vấn đã kể lại câu chuyện của mình từ thời điểm tại sao họ quyết
định tham gia tổ chức cũng như suy nghĩ sau khi biết được thông tin giáo phái của
mình đã thực hiện vụ khủng bố.
Như đa số người
Việt Nam, mình là người không theo tôn giáo nào, và trước giờ chưa từng hứng
thú tìm hiểu hay nghĩ rằng sẽ hiểu được quan điểm của những người theo tôn
giáo. Tuy nhiên, sau khi đọc xong câu chuyện này, đáng ngạc nhiên mà mình lại
hiểu khá rõ quan điểm và tâm trạng của những người trong đây. Họ không phải là
những người bị cổ xúy, ít học thức, mê tín mà thực chất lại là những người có
kiến thức, suy nghĩ thấu đáo về cuộc đời, về sự sống, cái chết. Chính vì họ suy
nghĩ rất nhiều nhưng lại không thể tìm kiếm được câu trả lời ở bản thân hay những
người xung quanh không cùng quan điểm nên mong muốn tìm đến một thứ gì đó lớn
hơn, một người nào đó ở vị trí cao hơn để đưa ra câu trả lời cho họ. Và khi bạn
có một niềm tin, bạn không phải đau đầu suy nghĩ vì đã có người khác đưa ra định
hướng cho bạn thì bạn có thể sống một cuộc sống yên tĩnh hơn không bận tâm về những
cuộc tranh đấu vì tiền bạc, công danh, địa vị ở ngoài kia. Những người được phỏng
vấn trong cuốn sách này dù có rời giáo hội sau sự việc kia hay không thì đều
không cảm thấy hối hận khi đã tham gia. Vì ở đó họ tìm thấy những người cùng
quan điểm với mình, sống với tinh thần thoải mái hơn.
Hành động của
những kẻ cầm đầu là tội ác không bàn cãi, nhưng với những người tham gia giáo hội
không hay biết gì thì mình không nghĩ là họ đã làm sai. Điều đáng buồn là niềm
tin của họ đặt vào một thứ gì đó lớn hơn lại bị một cá nhân xưng là
giáo chủ với những tư tưởng lệch lạc lợi dụng một cách sai trái, ở một nơi họ
ko muốn có những đấu đá về cấp bậc thì thực chất cũng hình thành những giai cấp
y như vậy. Và một khi bạn đã đánh mất định hướng, tiếng nói của cá nhân thì có
nghĩa bạn cũng đã đánh mất cái “tôi” của mình.
Haruki
Murakami với quan điểm vô cùng khách quan đã cho chúng ta thấy ai cũng đang đi
tìm kiếm phương hướng trong cuộc đời này, mỗi cá nhân đều có những suy nghĩ
về cuộc sống này và đặt niềm tin ở những nơi khác nhau. Họ và chúng ta có lẽ
không quá khác biệt.
Những vấn đề đặt
ra trong cuốn sách này cho ta thấy những vấn đề ẩn sâu của xã hội. Như cái tên “Ngầm”
không chỉ để nói về những chuyến tàu dưới
lòng đất ở Tokyo mà chính là để phản ánh những phần nằm dưới bề mặt bình lặng của
mỗi cá nhân trong xã hội. Một chủ đề thực sự khá khó để ngấm và các độc giả có
thể tự có những quan điểm của riêng mình.
Viết một bài review đã rất dài rồi mà không biết có thể hiện được hết những điểm mình cảm nhận từ tác phẩm này không nữa. Vì đã không thực hiện được mục đích ban đây, sau cuốn sách này mình lại phải lựa chọn một cuốn hư cấu khác để có thể thoát khỏi hiện thực cuộc sống này .
Cảm ơn những
ai đã đọc được đến hết bài review rất dài này!!!