[Review] Giết con chim nhại

Giết con chim nhại
Giết con chim nhại - Happer Lee

Thời gian gần đây toàn đọc văn học Nhật, nên đã tự nhủ với bản thân là phải đổi gió sang nước khác, và lần này chọn hẳn một tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ luôn :)). Lần nào đọc tác phẩm kinh điển là cũng phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng để có thể tiếp nhận các triết lý văn học.

"Giết con chim nhại" của Happer Lee thì đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới. Mình luôn có thói quen đọc phần lời giới thiệu qua nội dung của tác phẩm trước khi quyết định đọc. Nói thực là khi đọc lời giới thiệu qua nội dung nói về câu chuyện một luật sư bào chữa cho một người da đen mắc tội oan mặc dù bị cả xã hội lên án, mình đã hình dung hướng kể chuyện khác. Thế nên là đọc chục trang sách đầu hơi bị trái với tưởng tượng :))

Mở đầu và xuyên suốt câu chuyện là lời kể và góc nhìn của cô bé Scout, gần nửa đầu cuốn sách dưới lời kể của cô bé bạn sẽ được nghe những câu chuyện về những trò chơi cùng anh trai Jem và cậu bạn Dill, những người hàng xóm, và đặc biệt là bố Atticus với cách giáo dục tuyệt vời của ông. Nửa đầu cuốn sách với mình thì nó là phần khắc họa lại rõ hơn xã hội mà câu chuyện chính đang xảy ra, một xã hội vẫn còn có sự kỳ thị sắc tộc, còn nhiều định kiến mà dù có những suy nghĩ khác thì cũng không có mấy người dám đứng lên chống lại nó. Ở một xã hội như vậy nhưng luật sư Atticus vẫn dũng cảm đứng lên bào chữa cho một người da đen dưới sự chỉ trích của nhiều người. Câu chuyện chính bắt đầu ở nửa sau, vì vậy dù đọc nửa đầu mà vẫn chưa thấy được nội dung chính thì hãy cố gắng đọc tiếp nhé. :))

Với nội dung phê phán nạn phân biệt chủng tộc, thì cũng không ngạc nhiên khi câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy. Vì dù đã được ra mắt từ 50 năm trước, thì những gì tác giả muốn truyền tải vẫn còn giá trị đến tận bây giờ. Ở nước Mỹ hay trên toàn thế giới ngày nay mặc dù đã đề cao quyền bình đẳng thì ở đâu đó vẫn còn tồn tại sự phân biệt chủng tộc này. Điều quan trọng để xóa bỏ sự kỳ thị này chính là từ nhận thức của mỗi con người và đơn giản nhất từ cách giáo dục, hãy học cách giáo dục mà bố Atticus dành cho Jem và Scout về con người với cái nhìn bao dung, bình đẳng. Mình tin rằng với xã hội hiện nay dù chưa đạt được nó ngay bây giờ thì trong tương lại với sự nhận thức của mọi người ngày càng được nâng cao sự bình đẳng ấy sẽ đạt được.

Mặc dù ở trong cuốn sách, Tom Robinson người bị tội oan vẫn không có được kết thúc có hậu, nhưng luật sư Atticus đã dạy chúng ta bài học rằng không phải những gì chúng ta đấu tranh không mang lại kết quả mong đợi là những thứ không đáng để đấu tranh. Cũng như phần cuối câu chuyện chúng ta thấy được đừng nên vội vàng phán xét một con người khi chưa hiểu người đó từ câu chuyện của người hàng xóm lập dị, bị mọi người xa lánh Boo Radley.

"Giết con chim nhại là" một cuốn sách mang nhiều triết lý cuộc sống đáng để suy ngẫm (tác phẩm kinh điển mà), nhưng điều đặc biệt hơn cả là những triết lý đó được thể hiện qua suy nghĩ, lời kể của một đứa trẻ. Mình nhận thấy dù là về bất kỳ vấn đề gì nếu người phát ngôn là trẻ nhỏ đều đem lại một tác động và gây được sự đồng cảm của nhiều người hơn, vì nó phát ra từ sự trong sáng, chân thật nhất. Và Happer Lee cũng đã làm được điều đó, một cuốn sách dành cho cả trẻ em và người lớn với cách truyền tải có sức thuyết phục nhất. Mong rằng nếu đọc xong một vài lời nói nhảm của mình, sẽ có ai đó chuẩn bị tâm lý để đọc cuốn sách kinh điển này :)).

Share:

0 nhận xét