[Review] Đồng Thoại Đen - Otsuichi

Đồng thoại đen - Otsuichi

Vừa chợt nhận ra Halloween năm nào vừa recommend "Zoo" (link bài review) thì năm nay lại đúng dịp này vừa đọc xong Đồng Thoại Đen của cùng tác giả. Nếu đã là sự trùng hợp đến như vậy thì đương nhiên là cũng phải viết review cho tác phẩm này.

Truyện kinh dị của Otsuichi vẫn luôn mang một chất riêng, vẫn luôn kì dị và lạnh lùng như thế. Tuy nhiên, Đồng thoại đen có phần khác với các tác phẩm khác như Zoo và Goth. Vì lần này không phải là tập hợp các mẩu chuyện ngắn mà là 1 truyện dài xuyên suốt.

Mở đầu bằng câu chuyện đồng thoại kể về 1 con quạ biết nói tiếng người kết bạn cùng 1 cô bé mù. Quạ mang tặng cô bé đôi mắt và mỗi khi lắp vào cô bé có thể nhìn thấy những hình ảnh mà người chủ trước kia từng thấy. Vì muốn cô bé nhìn ngắm thế giới quạ sẵn sàng khoét mắt của toàn nhân loại. Ngoài đời thực cũng xảy ra một câu chuyện kì lạ như thế. Nami vừa bị mất mắt trái và kí ức do tai nạn, sau khi được tiến hành ghép mắt cô bắt đầu nhìn thấy những hình ảnh được cho là ký ức của người đã hiến mắt cho cô. Do mất đi ký ức của chính mình, những ký ức của người xa lạ kia là thứ duy nhất mang lại cho Nami cảm giác đang sống. Chính vì điều này cô quyết tâm theo đuổi vụ án của người từng nắm giữ ký ức này

Là một chuyện dài nên khác với các chuyện ngắn khác thường chỉ được kể ở ngôi thứ nhất hoặc thứ ba, Đồng Thoại Đen khai thác câu chuyện từ cả 2 tuyến nhân vật khiến tác phẩm có chiều sâu hơn. Độc giả khi theo dõi tâm lý nhân vật từ cả 2 phía và có thể cùng suy luận.

Các yếu tố kinh dị mang đến cảm giác ghê rợn nhưng vẫn được diễn tả vô cùng lạnh lùng như phong cách của tác giả, tuy nhiên từ ngữ diễn tả khá chân thực khiến bạn có thể tưởng tượng ra khá rõ dù chỉ là đang đọc qua các trang sách. Các phân chuyển tuyến nhân vật được thể hiện khá mượt cùng plot twist bất ngờ khó lòng đoán được (bạn có thể có chút ngờ ngợ những sẽ không thể kết nối được hết các chi tiết cho đến cuối truyện).  Đoạn gần kết thúc câu chuyện còn khuyến mình nít thở lật từng trang sách hồi hộp như chính tâm lý của nhân vật chính vậy.

Với những bạn chưa từng đọc tác phẩm nào của Otsuichi hãy chuẩn bị tâm lý cho một câu chuyện kinh dị, kỳ lạ, ghê rợn vừa có độ lạnh lùng nhưng vẫn có độ kịch tích. 

Còn cho những ai đã từng đọc các tác phẩm khác của tác giả thì chắc chắn sẽ thấy có chút khác biệt. Các tình tiết kinh dị trong tác phẩm này có phần mạnh hơn Zoo và Goth tuy nhiên phong cách viết không như các truyện ngắn khác. Bởi lẽ ngoài các yếu tố kinh dị, Đồng thoại đen cũng mang một phần triết lý của cuộc sống. Những cảm nhận của Nami lúc mất trí nhớ giúp ta cảm nhận được: Cuộc sống của con người có giá trị và ý nghĩa là nhờ những ký ức, kỷ niệm mà họ đã từng trải qua.

Phần cuối của tác phẩm là đôi lời từ chính tác giả. Ngoài việc cảm nhận được tính cách khá tưng tửng của người viết, độc giả cũng biết được thêm thông tin khá ngạc nhiên là chính Otsuichi lại không thích Đồng thoại đen cho lắm.
Có lẽ là do sự lồng ghép nhiều chi tiết, không thực sự mang đúng chất thuần tuý kinh dị như tác giả mong muốn chăng? Cũng có thể do vậy nên các chuyện ngắn khác của Otsuichi khá nhất quán 1 là mang chất kinh dị - trinh thám như Zoo, Goth hai là viết về sự sống như Calling You. 

Dù tác giả có hài lòng với nó hay không thì cá nhân mình là độc giả vẫn đánh giá cao Đồng thoại đen, một tác phẩm đặc sắc với chất dị rất riêng. Điểm mình không thích duy nhất có lẽ ở phần bìa, ôm đồm quá nhiều chi tiết và không thực sự thu hút trong khi có lẽ một hình mình họa đơn giản có thể mang lại hiệu quả cao hơn.

(Bạn cũng có thể đọc Review Goth của mình tại đây)

Share:

0 nhận xét