[Review] Thánh giá rỗng - Higashino Keigo

Thánh giá rỗng - Higashino Keigo

Truyện trinh thám là một trong những hạng mục yêu thích của mình nên là cứ 1 thời gian là phải kiếm một tác phẩm để đọc. Lần này là một tác phẩm của Higashino Keigo. Higashino Keigo không phải là một tác giả mới với mình, trước đó mình đã từng đọc "Phía sau nghi can X" và "Bạch dạ hành". Nói thật là tuy khá thích văn phong của tác giả nhưng về mặt trinh thám thì mình không đánh giá cao các tác phẩm của Higashino Keigo lắm, vì với mình các tác phẩm ông viết thiên nhiều về tâm lý xã hội hơn. 

Lý do mình quyết định đọc "Thánh giá rỗng" vì lời giới thiệu "Top 5 tiểu thuyết trinh thám của Nhật Bản năm 2014". Với lời giới thiệu này mình đã kỳ vọng nhiều hơn về các yếu tố trinh thám, nhưng ngược lại nó lại làm mình vô cùng thất vọng. Xin nhấn mạnh rằng đây KHÔNG PHẢI LÀ TRUYỆN TRINH THÁM. Nên bạn nào đang tìm kiếm 1 tác phẩm truyện trinh thám thì có thể bỏ qua, còn nếu bạn tìm kiếm một tác phẩm về tâm lý xã hội thì hãy tiếp tục đọc review của mình. (Review có kèm spoiler, mọi người cân nhắc trước khi đọc)

Câu chuyện chính của "Thánh giá rỗng" xoay quanh 2 vụ án mạng trong 1 gia đình. Cặp vợ chồng Nakahara - Sayako đã phải đối mặt với nỗi đau đứa con gái bé bỏng Manami bị sát hại. Cái chết của con gái khiến cuộc hôn nhân của họ cũng đổ vỡ. 11 năm sau, Nakahara lại một lần nữa trải qua nỗi đau khi nhận được tin Sayako bị sát hại trong một vụ cướp. Trước cái chết có nhiều uẩn khúc của Sayako, Nakahara quyết định đi tìm sự thật. 

Câu hỏi xuyên suốt toàn tác phẩm đó là "Liệu rằng tử hình có phải là hình phạt thích đáng cuối cùng cho mọi tội ác?". Người đọc đi cùng với câu chuyện của Nakahara sẽ được đứng dưới nhiều góc độ để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Câu chuyện đầu tiên về cái chết của bé Manami, 2 vợ chồng Nakahara và Sayoko trước cái chết đau lòng của con gái, họ quyết tâm theo đuổi phiên tòa để phán xét án tử hình cho hung thủ. Và rồi tưởng chừng khi phán quyết đó được tuyên bố thì họ sẽ có được chút nhẹ nhõm trong lòng nhưng hoàn toàn ngược lại họ hoàn toàn cảm thấy trống rỗng. Vậy liệu rằng bản án tử hình này có phải là liều thuốc giúp gia đình nạn nhân chấm dứt nỗi đau?

Sau khi ly hôn, Nakahara cố gắng bắt đầu lại cuộc sống bằng cách làm 1 công việc khác, nhưng từng đấy năm trôi qua trong lòng anh không hề nguôi ngoai nỗi đau. Sayoko từ sau vụ án, trở nên ám ảnh với quan điểm không bỏ bản án tử hình, cô tìm gặp các gia đình nạn nhân, giúp đỡ họ và viết báo về những vấn đề xã hội, với cô thì đó là bản án thích đáng nhất với tội phạm giết người.

Trong quá trình đi tìm hiểu về sự thật cái chết của Sayoko, Nakahara hiểu được quan điểm của vợ anh, xét từ phía gia đình của nạn nhân. Anh cũng đi tìm gặp vị luật sư cũ của bên hung thủ, đứng trên lập trường của luật sư, vị đó thể hiện quan điểm các vụ án là khác nhau không thể có chung 1 bản án và bản án tử hình đưa ra với một hung thủ thậm chí còn không quan tâm đến nó, thì liệu đó có phải là cách đền tội thích đáng nhất hay không? Đọc từ bài báo của Sayoko, Nakahara cảm thấy có mối liên quan từ vụ án của cố với một nhân vật đã từng được nhắc đến trong 1 ký sự của cô là Saori. Từ đây Nakahara tìm hiểu được sự thật cũng như phát hiện ra một bí mật đã được chôn giấu từ 21 năm trước. 

Như câu đầu tiên mở đầu tác phẩm "Không có phiên tòa nào hoàn hảo cho toàn nhân loại", câu hỏi đặt ra trong tác phẩm về bản án tử hình đến cuối cùng Nakahara cũng như độc giả có lẽ cũng không tìm được đáp án chính xác vì chúng ta luôn đứng ở các góc độ khác nhau để phán xét. Có lẽ bản án thích đáng nhất là bản án khiến hung thủ có thể nhận thức về tội ác của mình và làm những gì để đối diện với nó.

Các dẫn dắt truyện của Higashino Keigo ở tác phẩm này vẫn giữ được độ cuốn hút trong các thể hiện tâm lý, mỗi quan hệ của các nhân vât và cách các sự kiện liên kết với nhau. Tuy nhiên như nói từ đầu thì tác phẩm mang nhiều yếu tố tâm lý nhiều hơn là trinh thám, thậm chí phải nói là rất ít yếu tố trinh thám. Chi tiết cuối cùng về bí mật là nút thắt của câu chuyện cũng không làm mình bất ngờ hay ấn tượng. mình còn thấy nó hơi gượng ép. Đồng ý là nhân vật còn trẻ có thể dẫn tới quyết định dại dột nhưng mình nghĩ rằng một quyết định tốt hơn vẫn có thể được đưa ra.

Nói tóm lại, "Thánh giá rỗng" không phải là một tác phẩm trinh thám, nhưng là một câu chuyện tâm lý xã hội khá hay, và với giọng văn của Higashino Keigo thì vẫn đủ cuốn hút để đưa bạn đến cuối tác phẩm. Nếu yêu thích tác giả hay có quan tâm đến nội dung về tội phạm, thì mọi người có thể cho "Thánh giá rỗng" một cơ hội :)).

Tags:

Share:

0 nhận xét